PHẬT GIÁO NÔNG SƠN
Ổn định - Kế thừa - Phát triển

Vì sao có câu “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”

Ngày Đăng: 18-01-2018

(PGNS)

Phật dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Câu này mới nghe qua chúng ta thấy hơi vô lý, vì mình đã có thân người rồi. Ở đây đức Phật ý nói thân tương lai, chứ không phải thân hiện tại. Nếu sau này chúng ta chết đi, liệu có được tái sinh trở lại làm người hay không? Đó là sự thắc mắc của một số người, chúng ta cần phải quán chiếu và suy nghiệm để tìm ra nguyên nhân.

Thường thì một số học thuyết thế gian cho rằng chết là hết, mọi thứ đều trở về với cát bụi, không có nhân quả nghiệp báo tái sinh luân hồi nên họ mặc tình làm việc xấu ác mà không sợ tội. Đức Phật do tu chứng, nên thấy được cái vòng lẩn quẩn của con người, sau khi chết thân này sẽ hoại, nhưng tâm thức của chúng ta vẫn còn và tiếp tục tái sinh vào cõi lành hay cõi dữ, do thói quen đã gieo tạo.

Một đứa bé mới sinh ra, chưa được ai dạy bảo điều gì cả, mà chúng đã có những sở thích riêng biệt, đứa thì hay khóc la, đứa thì thích đồ chơi, đứa thì ham ăn, đứa thì thích ngủ…. Khi lớn lên đi học thầy cô giáo dạy bình đẳng như nhau, nhưng có đứa giỏi toán, đứa giỏi văn, đứa giỏi vật lý v.v… Vậy thì tại sao có sự khác biệt như thế?

Theo giáo lý nhà Phật có ba cõi sáu đường, hay còn gọi là lục đạo luân hồi, đó là các cõi trời, người, A tu la, địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, riêng các cõi người và trời là cõi lành dành cho chúng sinh biết giữ giới tu mười điều lành và ứng dụng tu tập thiền định. Chúng sinh sau khi mất đi, được tái sinh chỗ tốt hay xấu tùy theo nghiệp báo đã gây tạo trong hiện tại.

Các nghiệp lực do ta tạo ra trong hiện đời, sẽ đưa ta vào một trong sáu cõi luân hồi, điều đó còn tùy thuộc vào cận tử nghiệp, tức là nghiệp lúc cận kề với cái chết. Người đang làm ác nhưng khi gần chết khởi tâm mạnh mẽ về những việc làm tốt, có thể tái sinh đến cõi lành và ngược lại. Đức Phật dạy: Có hai loại người có thể tái sinh thẳng mà không cần phải qua giai đoạn thân trung ấm trong 49 ngày.