PHẬT GIÁO NÔNG SƠN
Ổn định - Kế thừa - Phát triển

Chuyện những xâu chuỗi…

Ngày Đăng: 06-12-2018

(PGNS)
Sơ cơ học thiền, tu học A-B-C, Phật tử thường nương vào chuỗi hạt… Hình ảnh xâu chuỗi đủ hình thức lớn bé, màu sắc, giá trị có khác, song tính biểu tượng của thiền, đạo Phật cứ như mặc định.
“Dấu hiệu nhận diện” chủ nhân xâu chuỗi trên cổ tay ai đấy thường là con nhà Phật, cư sĩ Phật tử hay ít ra một người có thiện cảm với Phật giáo. Suy nghĩ ấy có thể chủ quan, bởi “người ta đeo chuỗi như thời trang thì sao?”, nhưng tôi không nghĩ theo hướng ấy…
1d5ab1cbc6.jpeg
Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Nhớ một ngôi chùa tọa lạc ở vùng quê miền Tây, trong vùng lúa, man mát đồng xanh và dòng kênh cả trước và phía sau, có đến hai chiếc cầu cong cong. Lần đầu đến chùa ấy, được vị Ni tiếp, dự khóa tu tổ chức cho học trò. Trong giờ cơm, vị Ni tặng một xâu chuỗi rất đẹp, hạt to cùng lời nhắn nhủ: “Chuỗi này Hòa thượng tặng tôi”- vị Ni nói, rồi tiếp: “Sư Ông đã viên tịch lâu rồi…”.

Chuỗi quý ấy rồi tôi cũng tặng lại cho “người ta” – bậc hữu duyên, song không quên. Đấy là xâu chuỗi thứ nhất? Không biết, nhưng cũng hơi lâu rồi. Xâu chuỗi ấy đẹp nhất về hình thức, có giá trị, lại liên quan đến bậc thầy của người trao, người được tặng lại tất nâng niu lắm.

*

Đi nhiều, để viết. Đến ngôi già lam nào tôi cũng “hỏi thăm” về chuỗi với hy vọng được tặng một xâu!

*

Sau lưng thiền viện Quảng Đức (294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM) – nơi đặt Văn phòng II của Giáo hội, bà con bán nhiều thành khu phố nho nhỏ chuyên về văn hóa phẩm và hàng lưu niệm Phật giáo, đủ hết, đương nhiên chuỗi có nhiều, đủ loại. Tôi đã mua mấy xâu chuỗi bằng gỗ dâu của cô hàng giọng Bắc.

… Nhớ chuyến bay vật vã lo đủ thứ từ Tân Sơn Nhất đi Nội Bài dạo nào: lo trong đêm làm sao vào nội ô Hà Nội, taxi tốn nhiều tiền, rồi nghỉ ở đâu chờ sáng dự nhận giải cuộc thi viết ở chùa ở Quán Sứ? Ơn trời, trên máy bay gặp chị H – một thương nhân, cà phê, nói chuyện, chị hiểu, mời về nhà gần Văn Miếu, cảm động.

Nhớ phu quân chị đèo bằng ôtô trong mưa dầm từ Nội Bài, rồi ấm áp nghỉ trong một phòng đẹp. Tấm lòng người Hà Nội, mời điểm tâm trong bếp cùng cả nhà, lại đèo bằng xe máy đến tận chùa Quán Sứ! Mình đã tặng anh chị hai xâu chuỗi bằng gỗ dâu mua sau con hẻm gần thiền viện Quảng Đức trong Sài Gòn cùng lời cảm ơn và chúc lành…

*

Lại nhớ. Trong chùa Quán Sứ có nơi be bé đề biển “Báo Giác Ngộ TP.HCM”, có hàng bán chuỗi và đồ lưu niệm Phật giáo. Hẹn bạn, trong Nam ra Bắc làm việc, gấp gáp không biết lấy chi làm quà, lại “thỉnh” xâu chuỗi! Cà phê một góc phố Hà Nội, tặng bạn chuỗi nhà Phật và nói dối: “linh lắm, thỉnh từ chùa đấy!”…

*

Lại nhớ. Đi tặng kinh sách cho bà con, đạp xe trên đường, với rất nhiều chuỗi trong balô, tặng chị bán lặt vặt quán cóc, rồi hàng cơm… “Chùa cho đấy!” mình nói, một chút xíu việc lành.

Chuỗi – người sơ cơ nương vào đấy, biểu tượng của người học đạo. Từng hạt từng hạt gỗ để làm vơi phiền não chúng sanh qua mỗi lần nam mô trì niệm… Chuỗi đeo để nhắc mình, tặng để nhắc người như một lời sách tấn dễ thương là vậy!