Theo tinh thần Phật giáo Bắc truyền nói riêng, chúng ta thường nghe câu nói: “Suốt bốn mươi chín năm Như Lai không hề nói một chữ” và thực sự câu nói đó có xuất xứ ra sao và đức Phật vì sao tuyên bố như vậy? Chúng ta có thể đọc qua đoạn trích trong kinh Lăng-già tiếng Phạn dưới đây và mỗi người sẽ tự có những suy nghĩ hoặc những câu trả lời riêng cho mình.
Kinh văn
“Lại nữa, lúc bấy giờ Mahāmati thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, Ngài đã từng dạy rằng: Từ lúc Như Lai chứng nghiệm giác ngộ cho đến đêm thể nghiệm hoàn toàn Niết-bàn, trong khoảng thời gian đó Như Lai không hề nói bất cứ một chữ nào, cũng không bao giờ thuyết giảng; Vì không thuyết giảng chính là sự thuyết giảng của đức Phật. Vậy, theo ý nghĩa thâm mật nào mà Như Lai, bậc Chánh đẳng giác nói rằng không thuyết giảng chính là sự thuyết giảng của đức Phật?
Đức Thế Tôn đáp: Này Mahāmati, bởi vì căn cứ trên hai điều có ý nghĩa thâm mật mà tuyên bố này được đưa ra. Hai điều đó là gì? (1) Sự tự chứng pháp tính và một sự thâm mật khác là (2) Nguyên lý tồn tại (bản trụ) của pháp tính. Y theo hai điều có ý thâm mật trên mà tuyên bố ấy của Ta được thiết lập.
Thế nào là ý nghĩa thâm mật về sự tự chứng nghiệm pháp tính? Điều gì mà các đấng Như Lai thể nghiệm thì chính điều ấy cũng đã được Ta thể nghiệm, trong đó không tăng trưởng, không tổn giảm. Vì cảnh vực của sự tự chứng nghiệm vượt ngoài ngôn ngữ và cấu trúc khái niệm, cũng chẳng liên hệ gì tới đến học thuyết nhị nguyên cả.
Thế nào là ý nghĩa về nguyên lý tồn tại của pháp tính? Này Mahāmati, con đường cổ xưa của pháp tính vẫn luôn luôn ở đây trong mọi thời gian, nghĩa là bản tính của pháp giống như vàng, bạc hay châu báu được cất giữ ở trong mỏ khoáng. Này Mahamati, dù Như Lai xuất hiện hay Như Lai không xuất hiện thì giới tánh của pháp vẫn thường trú, là pháp tướng, pháp tính, pháp trụ, pháp vị vẫn ổn định, giống như những con đường trong một thành phố cổ đại.