PHẬT GIÁO NÔNG SƠN
Ổn định - Kế thừa - Phát triển

Đứng đợi người đi ngang

Ngày Đăng: 06-12-2018

(PGNS)
Chuyến xe đò hay dừng lại trước trại giam. Khách xuống xe phần lớn là thân nhân của những phạm nhân đang phải cải tạo ở trong trại giam kia. Khi bước xuống xe, ai cũng mang đủ thứ vật dụng tiêu dùng để thăm nuôi một người nào đó trong trại. 
Lạ, phần lớn những người bước xuống xe đều là phụ nữ, đôi khi có cả trẻ con. Thân nhân của họ ở trong trại giam rộng thênh thang kia, khuất sau hàng bạch đàn cao xanh lả ngọn, nơi con đường nhựa buồn buồn để tới chỗ cuối cùng là cổng vào trại, mà có thể bởi một lý do nào đó họ đã phạm tội.
amhoa.jpg
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Thế gian này thênh thang lắm, con người ta có thể trong một ngày vượt cả vài ngàn cây số để từ một đất nước này đến một đất nước khác; nhưng với những người phạm tội kia, ranh giới của họ là những hàng rào kẽm gai, là bức tường sơn vàng ngăn cách. Họ là những người đã thành án, cho nên không còn bị nhốt trong những căn phòng chật chội, mà hàng ngày được đi ra ngoài trại để làm việc. Cách trại không xa là cánh đồng rộng, gọi là nơi sản xuất của trại. Ở nơi đó là những ruộng lúa, rẫy mì, khoai lang, bắp, mè… nói chung là đủ thứ nông sản được trồng bởi những phạm nhân. Đó cũng là lương thực hỗ trợ một phần cuộc sống của họ.

Quán nước bán thêm đủ thứ linh tinh cho nhu cầu của những người thỉnh thoảng bước xuống xe, dừng chân nghỉ ngơi, đợi tới giờ đi thăm thân nhân, họ uống ly nước, đôi khi mua thêm những thứ hàng hóa cần thiết cho người thân của mình bởi do vội vàng mà họ quên mang theo. Buôn bán lâu, tôi biết họ cần gì. Đó là thuốc lá, là bánh tráng, là đường cát, cả khăn mặt, bót đánh răng hay đôi khi là ít bánh kẹo để ăn chơi hay các loại bánh ăn liền như bánh ú, bánh bao, bánh bò…

Tôi quen hình ảnh những chuyến xe đò dừng lại ngay ngả vào trại. Tôi quen những gương mặt người già trẻ lớn bé đến đây đều với tâm trạng bồn chồn. Tình thương của họ thể hiện khác nhau đối với người thân. Mỗi người đi thăm thân nhân trong trại giam kia đều đi thẳng vào con đường đất đỏ đó, nếu họ đã đi nhiều lần, bởi trại có một khu dành riêng cho thân nhân sau khi thăm xong mà không kịp đón xe về hoặc nhà quá xa tạm trú qua đêm. Trại cũng có một khu vực được đặt tên là “Nhà hạnh phúc”, dành cho các phạm nhân cải tạo tốt được ở lại qua đêm với thân nhân họ. Có thể cả đời ở gần kề bên nhau, những cặp vợ chồng không thấy quý sự đoàn tụ, cho đến khi bị chia cắt, họ mới thấy quý hóa cái đêm hạnh phúc của chuyến thăm kia. Bởi tôi thấy sau khi bước ra khỏi ngôi nhà hạnh phúc khi bình minh bắt đầu cho một ngày mới, gương mặt của những người vợ đi thăm nuôi chồng đều vui vẻ, yêu đời.

Chuyện quán tạp hóa nhỏ của tôi chứng kiến những buồn vui trước cổng trại giam mà tôi tẩn mẩn ghi lại ấy tưởng sẽ cứ trôi mãi. Cho đến một buổi chiều trời u ám, mưa cứ bay lất phất khiến cho những người đa cảm luôn mang một cảm giác buồn buồn. Vào thời điểm đó, quán của tôi rất vắng, vì phần lớn những người thăm thân nhân không đi vào giờ này, họ chủ yếu tập trung vào ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật. Chiếc xe đò đáng lẽ sẽ chạy thẳng đến điểm cuối cùng là trung tâm thị trấn huyện còn non hơn 10 cây số, đã dừng lại.

Cô gái ấy đẹp, nếu không nói là rất đẹp. Chiếc mũ rộng vành che cả bầu trời, cặp kính đen hợp với khuôn mặt dễ dàng làm cho bất cứ chàng trai nào khi đi ngang qua cũng phải quay lại ngước nhìn. Mái tóc cô gái chắc do một thợ làm tóc giỏi giang nào đó đã nhúng tay vào, tạo ra những lọn tóc xoắn, ôm lấy bờ vai trần thanh tú. Cô gái ấy ăn mặc khá giản dị, chiếc pull trắng ngắn tay, chiếc quần jean có vẻ bụi bặm. Tôi phải tả kỹ càng về cô gái bước xuống xe trước của hàng của tôi vì từ sáng đến khi trời sắp chạng vạng tối, trong cơn mưa buồn ray rứt đó, quán của tôi ế ẩm đến độ tôi cứ chong mắt vào màn hình tivi xem để giết thời gian. Và trong ngần ấy thời gian cũng chẳng có chuyến xe đò nào dừng lại để khách bước xuống.

Càng kinh ngạc hơn là khi vừa xuống xe, cô gái đã bước thẳng vào quán của tôi. Cô chọn một góc khuất, nói:

– Chị ơi, chị cho em xin một chai nước lọc.

Chai nước lọc mang ra, cô gái uống một hơi giống như lâu lắm rồi cô không được uống. Uống xong chai nước, cô hỏi tiếp:

– Chị ơi, ở quanh đây có ai cho thuê nhà trọ không?

– Không, vì có cho thuê cũng không ai ở.

– Em cần ở đây mấy ngày, chị có thể giúp em?

– Ở mấy ngày làm chi? Có phải cô đi thăm nuôi ai đó trong trại không? Nếu đi thăm nuôi thì có thể vào khu nhà chờ, người ta có chỗ cho ở đó.

– Vâng, em đi thăm thân nhân. Nhưng em không thể vào đó. Em muốn kiếm một chỗ ở vài ngày.

Tôi vốn ở một mình. Mà cuộc sống một mình thì có gì vui. Ở khu làng buồn buồn này không có kẻ trộm, an ninh tương đối tốt, cho nên tôi đã nhận lời cho Thúy, cô gái đó, ở lại cùng tôi. Tôi nói:

– Thôi thì hoàn cảnh phụ nữ cả thôi, em cứ ở lại với chị. Nhà không có phòng riêng, cũng chẳng có đàn ông con trai, em cứ nằm tạm ở phòng khách em nhé.

Cô gái “dạ” thật ngọt.

*

Đúng năm ngày thì Thúy đi, tôi phải gọi anh Mẫn xóm trong chở giúp Thúy ra bến xe, cách nơi này cũng gần 6 cây số. Thúy về tận Sài Gòn, thành phố nhộn nhạo ngựa xe, Thúy sẽ không bao giờ trở lại, vì đây là lần đi cuối cùng, cũng là duy nhất của Thúy đến nơi này để chuẩn bị một chuyến đi xa, Thúy sẽ sang Úc theo diện đoàn tụ gia đình.

Thúy để lại cho tôi một bì thư, bảo: “Khi nào có dịp, chị chuyển cho anh ấy dùm em. Trong đó còn có lá thư em viết cho anh ấy”. Tôi vốn tò mò, nhưng tôi nhất quyết không giở lá thư mà Thúy gởi cho Hoàng, một phạm nhân đang chấp lãnh án tù 20 năm, đang thọ án ở trại giam này.

Sự gần gũi của những ngày bên nhau đã giúp cho tôi hiểu về cô gái đã bôn ba cả mấy trăm cây số đường để đi thăm chồng, và người con trai đó nhất quyết không cho Thúy gặp mặt.

Họ là hàng xóm với nhau, yêu nhau cả 7 năm trời để đi đến quyết định kết hôn. Theo Thúy thì Hoàng rất hiền, có tài đàn guitar và giọng ca của anh rất ngọt ngào, anh mơ mai này mình sẽ trở thành ca sĩ, nhưng giấc mơ ấy bất thành.

Tôi không hỏi lý do tại sao Hoàng lại bị bản án nặng như thế. Bởi có thể tôi sẽ gợi lại một quá khứ buồn bã cho cuộc tình của hai người. Tôi chỉ biết rằng chỉ vừa chuẩn bị lấy nhau thì Hoàng phạm tội. Họ chưa là vợ chồng.

– Ảnh bảo em còn trẻ, hãy đi lấy chồng đi. Không nên đợi anh, vì đợi ảnh lại càng không có tương lai.

Thúy nói với tôi như thế, và đó cũng là lý do tại sao Thúy lại xin tá túc trong nhà tôi. Trước đó, Hoàng ở một trại giam khác, sau chuyển về đây. Ở trại giam cũ, bao nhiêu lần Thúy đi thăm đều bị Hoàng từ chối và cũng không nhận quà thăm nuôi. Đó cũng là hình thức đoạn tuyệt một cuộc tình.

– Vậy thì cô hãy quên anh ta đi. Không ai đợi một người tù hai mươi năm.

– Em không biết, nhưng em nhớ ảnh quá. Em muốn biết ảnh sống ra sao.

Tôi biết rằng mỗi ngày những phạm nhân đều ra khỏi trại đi lao động ở cánh đồng cách trại khoảng ba cây số. Ở nơi đó cũng chen cùng những cánh đồng, nương rẫy của dân. Thế là ba ngày liền, tôi tạm thời nghỉ bán, lấy xe đạp chở Thúy ra nơi đó, với hy vọng để Thúy gặp Hoàng.

Những phạm nhân đều mặc đồng phục như nhau, đều hớt tóc cao. Họ xếp hàng đôi đi theo hai cán bộ quản giáo chốt trước và sau. Với tôi, tôi chẳng phân biệt được ai. Và lần lượt họ đi ngang chỗ tôi và Thúy, nhưng Thúy vẫn không tìm thấy Hoàng.

– Anh Hoàng.

Tiếng Thúy gọi thật to vào ngày thứ ba, khi một đoàn phạm nhân đi ngang. “Anh Hoàng”, tiếng gọi đó đã làm cho một chàng trai ngước nhìn. Ánh mắt của họ đã chạm nhau. Nhưng chàng trai lại cúi mặt xuống, tiếp tục bước đi theo đoàn.

Đó là lần gặp duy nhất của họ.

Lá thư tôi đã nhờ một phạm nhân tự giác đưa cho Hoàng. Tôi không biết kết thúc của câu chuyện như thế nào. Từ đó tôi hay chăm chú nhìn những đoàn phạm nhân đi ra trại, tôi nhìn xem trong đó ai là Hoàng. Nhưng tôi thật buồn cười, mắc gì tôi lại đợi một người đi ngang? Tôi lại nghĩ đến chuyện giá như hai vợ chồng họ có một đêm trong “ngôi nhà hạnh phúc”.

Truyện ngắn Khuê Việt Trường