Hầu hết các tôn giáo đều có Giới và Luật để tổ chức tồn tại trong trật tự, bảo vệ tính đoàn kết nội bộ, riêng Phật giáo, Giới và Luật không chỉ đơn thuần như thế, còn mang tính “khế thời, khế cơ và khế lý” bàng bạc tinh thần dân chủ mà gần 3000 năm trước, xã hội con người lúc bấy giờ trên tinh cầu còn bị thống trị bởi óc phong kiến và nặng về giai cấp. Vậy Giới và Luật của Phật giáo như thế nào?
Theo Đại từ điển Phật Quang định nghĩa Giới là: Tầng lớp, căn cơ, yếu tố, nền tảng, chủng tộc…
1. Giới dùng để gọi các phạm trù phân loại, như 6 căn, tiếp xúc với 6 trần, mà sinh ra 6 thức.
2. Đất, nước, lửa, gió, không, thức gọi là 6 giới. Dục giới, sắc giới, vô sắc giới gọi là tam giới. “Giới” này gần như nghĩa là cảnh giới. Tông Duy thức gọi chủng tử của tất cả pháp là giới. “Giới” này có nghĩa là yếu tố, nguyên nhân.
3. Giới bản gọi là Ba La Đề Mộc Xoa
– Giới là những điều răn cấm do đức Phật đặt ra khiến các đệ tử xuất gia và tín đồ tại gia giữ gìn để ngăn ngừa tội lỗi.
– Theo Luận Bồ đề Tư lương quyển 1 thì giới có 10 nghĩa: Tập cận, bản tính, thanh lương, an ổn, an tĩnh, tịch diệt, đoan nghiêm, tịnh khiết, đầu thủ và tán thán.
– Giới gồm có: Tính giới và giá giới. Tính giới cũng còn gọi là Cựu giới, Chủ giới, Tính trọng giới. Giới này bản chất là tội ác như giết hại, trộm cướp, tà dâm và vọng ngữ.