PHẬT GIÁO NÔNG SƠN
Ổn định - Kế thừa - Phát triển

Ngày lễ Noel và “bộ não” không biết tư duy

Ngày Đăng: 18-01-2018

(PGNS)
Mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa gốc, còn gọi là văn hóa bản địa. Nền văn hóa gốc này rất quan trọng đối với sự mất còn của một dân tộc. Chính từ sự coi trọng văn hóa gốc đó mà có câu: “Văn hóa còn là đất nước còn, văn hóa mất là đất nước mất”.
Khi mà một dân tộc được truyền thông cổ vũ lái cho họ quay lưng với nền văn hóa bản địa, mà lạc dẫn họ đi theo một nền văn hóa mới, thì hệ lụy xảy ra cho tương lai dân tộc không thể nào đoán định được, sáng sủa hay u tối.
Cây thông, ông già Noel là của nền văn hóa mới, nhà nhà trang trí, người người trang trí. Trang trí trên banner của nhiều tờ báo chính thống có lượng độc giả lớn, trang trí ở Bưu điện công, khu vui chơi, nhà hàng, thậm chí nơi bán vé xe cũng có, ông già Noel vô thẳng trong trường học phát quà cho các em. Từ yêu thương đi đến hành động không cách nhau mấy bước. Ông già Noel, cây thông là văn hóa phương tây, cụ thể hơn là văn hóa Ki Tô giáo. Con mình được ông già Noel phát quà, được tặng quà mang về nhà, thế là sẽ có một ngày cha mẹ dắt con đi chơi hội lễ Noel, vô nhà thờ chụp ảnh bên hang đá, bên ông già Noel, bên cây thông.
Và thế là giáo đường trở thành sân chơi chung cho tuổi trẻ, tình yêu khác đạo hội nhập một cách dễ dàng như nước với sữa. “Cải đạo mà không cải đạo” nhẹ nhàng êm thắm, như không hề có sự bắt buộc. Quyền lực mềm đã thắng.
Tiếp tay cho sự suy vi của đạo Phật là một số tăng ni trẻ, và một số khá đông cư sĩ, phật tử trẻ đã mừng đón giáng sinh một cách hăm hở. Soạn tin nhắn “Merry Christmas” chúc mừng cho nhau, người cùng đạo và không cùng đạo, một cách vô tâm, vô tư. Check-in chọn một nơi vui chơi tràn đầy không khí lễ hội Ki Tô, chụp hình bên ông già Noel, cây thông rồi đăng lên trang mạng toàn cầu facebook.com…. Việc làm như thế họ đã vô tình đưa đạo Phật trở thành một tôn giáo thiểu số, ngay trên một đất nước có nguồn gốc Phật giáo trên hai ngàn năm.