Bà nói nhiều nhưng đại ý bà muốn xin giảm nhẹ tội cho thằng con trai đang là bị can trong vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” mà tôi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
Ảnh minh họa
– Cháu ạ, bác biết con bác sai rồi. Nó ở nhà bác khổ lắm. Nó hành bác đủ kiểu. Nó đi như này là bác được yên bình một thời gian. Nhưng cháu biết đấy lòng người mẹ… – Bà rơm rớm nước mắt, giọng nghèn nghẹn – Chả người mẹ nào lại muốn con mình đi tù cả. Chỉ là nó đang bập sâu vào nghiện ngập nên đi một thời gian cũng tốt. Ở trong đó nó sẽ cai được. Nhưng nếu đi lâu quá, bác sợ nó chết già trong đó mất. Dù gì nó cũng 40 tuổi rồi mà cháu.
Nói tới đây thì bà ta không còn kìm được cảm xúc. Nước mắt cứ tuôn trào trên khuôn mặt trắng xanh nhăn nheo của bà. Nói thật, bà ta già so với tuổi dù trên khuôn mặt các đường nét rất thon gọn. Cặp mắt buồn biết nói, lông mày như tô, cái mũi thẳng tắp… Chắc ngày trẻ bà thuộc diện xinh gái. Có lẽ tại những nhọc nhằn, đau khổ của cuộc đời làm bà già hơn so với tuổi của mình.
Cố kìm nước mắt, vẫn cái giọng thều thào, người đàn bà đó nói tiếp:
– Bác vẫn mong nó lấy vợ dù biết ai mà thèm lấy thằng nghiện hả cháu? Nó cũng yêu một vài đứa nhưng chỉ được một thời gian lại thôi. Bác mong nó đi lần này về, cai hẳn được, lấy vợ, sinh con, bác chết cũng an lòng.
Tôi ngồi nghe mà thấy đau xót thay cho tấm lòng người mẹ. Làm trong ngành kiểm sát được gần chục năm, tôi thụ lý kiểm tra điều tra không biết bao nhiêu vụ án mà bị can là đối tượng nghiện chất ma túy, nhưng quả thật tôi chưa thấy ai cai nghiện được. Có những đối tượng tôi kiểm sát đến 3 lần. Nói như các cụ “cứ ra lại vào, ăn cơm tù nhiều hơn ăn cơm nhà”. Tôi e ngại cho tương lai của họ. Nhưng khi tiếp xúc với người nhà của họ, tôi thấy gia đình họ, đặc biệt là những người mẹ, luôn hy vọng một ngày nào đó con mình đủ chín chắn để nói lời giã biệt với nàng tiên nâu.
– Cháu ạ, cháu xem cố giúp bác và em nó với. Xem có cách nào cho em nó nhẹ tội không cháu? Nếu phải đi lâu bác e em nó không có ngày về. Đợt này nó yếu lắm.
Nói đến đây bà ta lại khóc. Tôi cầm tay bà ta nhẹ nhàng nói:
– Bác ạ, cháu đã giải thích với bác rồi. Tội nặng hay nhẹ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tính chất, mức độ của hành vi, như nhân thân… của anh ấy. Có phải do chúng cháu quyết định được đâu. Ngoài lần này, trước đó anh ấy đã hai lần bị đưa ra xét xử, chưa được xóa án tích nên lần phạm tội này thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.
– Bác biết – Bà ta cắt ngang lời tôi – Thế nên bác lên xin các cháu tìm cách giúp bác và em nó. Bác không bao giờ quên ơn các cháu. Gia đình bác quả thật rất khó khăn. Không chỉ thằng này mà thằng em nó cũng nghiện, cháu biết đấy.
Bà ta lại ôm mặt nức nở khóc. Hôm nhận hồ sơ từ công an, vừa đọc tên của anh ta tôi đã thở dài. Cái tên này tôi đã rất quen thuộc. Anh chàng này trước đó, khi tôi là cán bộ giúp việc, đã giúp kiểm sát viên xây dựng hồ sơ truy tố anh ta. Lần đó đã thuộc trường hợp tái phạm. Gia đình anh ta có ba anh em thì chỉ có cô em gái là làm ăn tử tế, nhưng nghe đâu lấy chồng trên miền núi nên cuộc sống cũng khó khăn. Còn anh ta và cậu em thì đều là đối tượng nghiện ma túy thâm niên, từ nghiện mà dần chuyển sang mua bán trái phép ma túy nhằm kiếm lời để phục vụ cho việc nghiện ngập của mình.
– Bác không biết bác sai từ đâu nữa. Nhưng ngày bé chúng nó ngoan lắm cháu ạ. Bác và bác trai tuy chỉ làm công nhân, đồng lương thấp nhưng các bác đều lo cho các con ăn học chu đáo. Thằng Lâm (tên anh ta) học xong cấp 3 thì học nghề ở Tam Điệp. Định tốt nghiệp xong sẽ mở xưởng sửa chữa ô-tô ở nhà. Không ngờ nó nghiện khi nào bác cũng không biết. Còn thằng Tâm (tên cậu em) nó đang học Đại học Giao thông Vận tải đấy chứ cháu. Không biết là do thằng anh hay do đua theo bạn bè mà nó nghiện rồi bị nhà trường đuổi học. Bây giờ thì cứ lang thang, dặt dẹo vậy thôi. Mỗi lần bác khuyên, nó đều hứa sẽ cai nghiện nhưng rồi đâu cứ vào đấy, bác chẳng biết làm sao cả. Bác trai thì bị tai biến nằm một chỗ rồi, có biết gì nữa đâu. Khổ thân ông ấy. Chắc ông ấy nghĩ ngợi nhiều mà sinh ra vậy. Nhưng nhiều khi bác nghĩ như ông ấy lại hay, không biết gì nên không còn phải đau khổ nữa.
Bà ta nói một chặp, tôi chỉ biết ngồi nghe. Đây không phải là lần đầu tiên tôi phải ngồi nghe những tâm sự của các bà mẹ về những quý tử của mình. Mỗi người mỗi cảnh nhưng chung quy lại tôi thấy lòng người mẹ nào cũng thương con vô bờ bến, vì thế tôi rất cảm thông với họ. Chỉ khi nào quá bận rộn với công việc, còn không tôi đều chịu khó lắng nghe những tâm sự của họ. Đây cũng là cách để cho họ giải tỏa được nỗi lòng. Hơn nữa, từ những tâm sự này của những bà mẹ, tôi sẽ đánh vào tâm lý của bị can. Đấy cũng là cách để họ thành khẩn khai báo mong được khoan hồng để sớm được trở về đoàn tụ gia đình.
– Cháu nói thế này để bác yên tâm. Nếu giúp được anh Lâm và gia đình bác trong khuôn khổ pháp luật cho phép thì bác cứ tin là chúng cháu sẽ giúp hết sức mình. Pháp luật vốn nhân đạo bác ạ. Chúng cháu luôn tạo điều kiện cho các đối tượng lầm đường lạc lối có cơ hội làm lại cuộc đời. Nhưng cháu nhắc lại tất cả đều phải đúng quy định của pháp luật. Chúng cháu không dám và không được phép làm trái đâu ạ.
Nghe tôi nói, mắt bà ta sáng hẳn lên. Nhớ hôm vào kiểm tra tạm giữ, lần đầu tiên tiếp xúc với Lâm kể từ khi anh ta bị bắt, tôi thấy anh ta nằm co quắp trong cái ruột chăn. Tôi hỏi:
– Anh là Lâm đúng không?
Anh ta không trả lời. Tôi lại hỏi to hơn:
– Anh là Lâm đúng không?
Anh ta từ từ mở mắt – đôi mắt lờ đờ, trắng dã trông đến sợ – rồi thều thào nói:
– Đúng. Tôi đây.
– Anh bị bắt vào đây về hành vi gì?
Thế là anh ta bù lu, bù loa lên. Anh ta bảo:
– Tôi bị chúng nó rình (ý anh ta nói đến công an), chúng nó vật tôi xuống rồi nhét ma túy vào người tôi, vu cho tôi là mua bán ma túy. Đấy cô xem – Anh ta giơ tay ra – tay tôi đầy vết thâm tím. Chúng nó đánh tôi đấy. Tôi có tội gì đâu mà bắt tôi vào đây.
Tôi biết ngay đối tượng này đã đi tù nhiều lần nên nhiều kinh nghiệm và luôn ngoan cố. Tôi liền hỏi:
– Thế công an thu ma túy ở đâu trên người anh?
– Ở trong mồm tôi – Anh ta trả lời.
– Tại sao ma túy lại có trong mồm anh? Nếu anh không giấu vào trong đó thì làm sao họ nhét vào trong mồm anh được.
– Ờ – Anh ta thấy mình bị hớ nhưng vẫn chống chế – Họ bóp mồm tôi nhét vào đấy.
– Anh có biết ai là người bóp mồm anh không? – Tôi lại hỏi
– Tôi không biết.
Tôi còn hỏi anh ta nhiều câu nữa nhưng anh ta đều chống chế, loanh quanh. Sau cùng anh ta nói:
– Tôi mệt rồi không làm việc được. Cô làm cẩn thận đừng làm oan tôi mà đi tù cả lũ đấy.
Anh ta quả là cáo già, đưa ra lời dọa nạt. Tôi nhỏ nhẹ nói:
– Vậy anh nghỉ ngơi đi. Tôi sẽ quay lại sau. Anh cứ suy nghĩ kỹ về hành vi của mình. Tôi chỉ nhắc cho anh biết là anh bị bắt quả tang khi đang chuẩn bị bán ma túy. Khi bị bắt ngoài anh ra còn có đối tượng mua ma túy và hai người khác làm chứng. Anh cần phải thành khẩn trong khai báo để hưởng khoan hồng của pháp luật. Anh có hiểu không?
Hôm sau, tôi quay lại để cùng với Linh – điều tra viên trực tiếp lấy lời khai của Lâm. Lúc này, Lâm đã tỉnh táo hơn, đôi mắt đỡ đờ đẫn. Trước khi làm việc, tôi hỏi Lâm về sức khỏe, về việc gia đình đã gửi đồ vào tiếp tế chưa? Mấy hôm nay, ở nhà tạm giữ có ăn uống được không? Tinh thần đã ổn định chưa?… Lâm nhìn tôi rơm rớm nước mắt, giọng nói nghèn nghẹn:
– Em cảm ơn chị – Anh ta gọi tôi bằng chị mặc dù tuổi tác hơn tôi – Em đỡ hơn rồi. Những lời chị nói, em đã suy nghĩ rất nhiều, hôm nay em sẽ thành khẩn khai báo thôi ạ. Mong các anh chị tạo điều kiện giúp đỡ em.
Thế là Lâm trả lời rành rọt các câu hỏi do tôi và điều tra viên đặt ra. Anh ta không còn thái độ quanh co như những hôm trước…
– Vậy thì bác yên tâm rồi – Bà ta nhỏ nhẹ nói, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi – Nhưng bác vẫn nhờ cháu giúp bác hết sức mình cháu nhé. Nhà bác tuy nghèo nhưng bác sẽ cố…
– Bác đừng nói thế – Tôi nghiêm khắc nói – Nếu bác nói thế cháu không dám giúp bác nữa đâu.
– Ấy cho bác xin lỗi – Bà ta vội vàng xin lỗi tôi – Bác cảm ơn cháu.
Truyện ngắn Trần Thị Hương Thảo(giacngo)