Sáu Khê chống nạnh hai quai, đầu nghiêng, mắt liếc, xem chừng rất vừa ý cái chòi mới cất cách dốc cầu chừng trăm thước. Nhà y nằm phía trong chỉ với mấy công vườn tạp. Vốn là một kẻ tứ chiếng giang hồ, lười lao động, ham ăn chơi, nên từ khi lập gia đình, y đã bán dần mấy chục công đất của cha mẹ để lại.
Chị Sáu vợ y là một người phụ nữ hiền lành hơi chút khù khờ nên thường bị y bắt nạt. Thằng con trai lớn tánh tình y hệt cha, làm ít ăn nhiều, đua đòi lũ bạn xấu bỏ học, rồi mỗi ngày gây biết bao chuyện. Xóm giềng hễ thấy mặt cha con Sáu Khê đều muốn tránh xa. Chỉ họa hoằn có đám, không thể không mời y. Nhưng ai cũng sợ, cũng không muốn ngồi chung bàn với cái của nợ đó.
Do lười lao động, nên mấy công vườn còn lại cũng xác xơ. Người vợ khờ của y mỗi ngày đi chằm lá mướn, rồi còn bắt ốc hái rau. Cái ăn trong nhà đều trông vào chị. Đứa con gái út cũng không được học hành nhiều. Nó đã xin vào làm trong xí nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh. Mỗi tháng, nó về thăm nhà một lần vào kỳ lương để giúp mẹ. Nó thương mẹ vất vả, chỉ muốn bù đắp. Và nó lại sợ cha, sợ anh, hai người đàn ông như hai hung thần của xóm.
Thằng Cảnh vừa tới sau lưng cha, nó vỗ tay bôm bốp: “Ngon lành nghe! Ông cất cái chòi đẹp thiệt! Vậy mà giấu nghề!”. Sáu Khê trừng mắt: “Tao thua mày chắc? Hổng làm thì thôi! Làm thì phải coi được chút! Mà mày chuẩn bị ‘đồ nghề’ chưa?”. Thằng Cảnh bước tới sát bên cha nó, nói nhỏ: “Ông yên tâm đi! Tui phải lên thị xã, kiếm trong một chỗ chuyên môn mới có hàng xịn đó!”.
Cả xóm thấy cái chòi vá xe đạp, xe Honda của Sáu Khê thì không khỏi ngạc nhiên: “Mặt trời mọc hướng Tây rồi chắc! Cái thằng chuyên môn ăn nhậu, bây giờ lại chịu làm!”. Người dễ tánh hơn thì nghĩ tốt cho y: “Chơi hoài cũng chán. Y đã chịu làm thì mừng giùm cho y!”. Ngày khai trương, y làm không nghỉ tay. Thằng Cảnh cũng lăng xăng phụ việc. Mấy người tốt bụng mừng cho y. Bây giờ, có công ăn việc làm, cha con nó bớt nhậu, bớt kiếm chuyện với lối xóm, cũng đỡ lo.
Chị Sáu vừa bắc nồi cơm lên bếp, thằng Cảnh đã bước vào: “Mai, tui đi mua cho bà nồi cơm điện, bà khỏi nấu củi nữa!”. Chị Sáu nhìn con. Thằng con trai lúc nào cũng tò tò theo ba nó. Nó học tới hết những thói hư tật xấu của y. Nó chưa bao giờ quan tâm tới chị. Bữa nay sao nó lại tốt vậy! Mua nồi cơm điện là sao! Thằng Cảnh thấy mẹ ngơ ngác thì cười lớn: “Bà hổng biết bây giờ tui có tiền rồi sao? Bây giờ ăn cũng ngon hơn một chút. Đừng tối ngày cứ cá kho, ốc luộc… tui nuốt hết nổi rồi!”. Và đúng như lời nó nói, bữa sau, nó đem về cái nồi cơm điện cho chị nấu cơm.
Hai cha con Sáu Khê làm nghề chưa được hai tháng, trong nhà đã có thêm cái tivi màu và cái quạt máy. Trước kia, khi ấp vừa có điện, nhà y chỉ hai bóng đèn nhà trước nhà sau. Bây giờ, từng món từng món đồ đã có mặt trong nhà khiến chị Sáu cũng vui. Tuy chị không biết mỗi ngày chồng con mình làm gì (chị đã quen phục tùng nên Sáu Khê có làm gì chị cũng không dám hỏi. Mỗi ngày, chỉ biết làm công việc của mình), nhưng thấy y bớt nhậu, bớt kiếm chuyện với lối xóm, chị thấy yên tâm hơn. Thằng Cảnh vừa đem về một con gà với mớ đồ nấu, nó nói với giọng mất dạy: “Bà làm con gà, bữa nay tui với ổng nhậu một bữa. Chừa lại một chút ăn cơm đi. Chút nữa tui vô lấy!”. Chị Sáu luýnh quýnh làm. Chị vẫn chưa dám bước ra nhìn cái chòi vá xe của ổng.
Hai Ninh trưởng công an ấp với mấy anh em trong tổ dân phòng vừa xong cuộc họp. Chuyện tai nạn xe máy gần đây sao xảy ra nhiều quá! Nếu lấy cái cầu làm tâm điểm, thì cỡ một cây số bên đây và một cây số bên kia, số tai nạn tăng lên đột biến. Hai Ninh nhíu mày. Anh đã nghĩ ra điều gì đó, nhưng vốn tính thận trọng, anh vẫn chưa phát biểu. Thằng Tượng lúc trước vẫn la cà với thằng Cảnh, nay vào tổ dân phòng, ngập ngừng một lúc rồi nói: “Con thấy chắc tai nạn xe là có lý do. Chắc là có ai đó… rải đinh!”. Thằng On là em chú bác của thằng Tượng cũng gật đầu, nhưng vẻ mặt lại có vẻ lo lắng. Hai Ninh uống một ngụm trà rồi dằn mạnh cái ly xuống bàn, giọng cương quyết: “Tôi phải tìm cho ra nguyên nhân. Trong địa bàn tôi quản lý, quyết không để ai làm việc phạm pháp”.
Mấy dĩa đồ ăn trên bàn đã hết sạch. Mặt mày cha con Sáu Khê đỏ lừng. Trời vẫn còn chút nắng le lói. Sáu Khê ra lịnh: “Dọn dẹp rồi về. Bữa nay hổng làm nữa!”. Thằng Cảnh ngạc nhiên: “Hổng làm nữa là sao ba?”. “Hổng làm tối nữa. Bây giờ đâu phải mình không tiền!”. “Nhưng… có xe phải vá thì làm sao?”. “Mày ngu quá! Sụp cửa xuống. Mày nằm chơi trong này đi! Không thì đi lấy bộ bài, tao với mày chơi vài ván. Ai cần thì kêu cửa, giá cao hơn. Nếu họ không chịu thì thôi! Ai cần ai cho biết!”. Thằng Cảnh nhìn cha rồi cười híp mắt. Đúng là ổng lắm mưu nhiều kế. Xe phải dắt bộ, giá nào họ cũng vá.
Tổ tuần tra của xã đã vất vả suốt một tuần. Anh em đi tuần suốt cả buổi tối, vẫn không phát hiện điều gì. Số người dẫn xe tìm chỗ vá vẫn tăng lên. Hai cha con Sáu Khê vẫn đều đều làm việc của mình. Chiều nay vừa vắng khách, y đã dặn thằng Cảnh: “Mày phải cẩn thận nghe! Tụi nó đi tuần sáng đêm đó!”. “Ông lo gì! Tui đi sau đít tụi nó. Tụi nó qua rồi tui mới rải. Yên tâm đi!”. “Nhưng Hai Ninh là con cáo già. Nó nghi rồi đó. Liệu hồn!”.
Lại thêm mấy tháng trôi qua. Tổ tuần tra vẫn chưa bắt quả tang người rải đinh. Mấy anh em đành phải mỗi ngày đi lượm. Cha con Sáu Khê vẫn làm công việc của họ. Trên cổ thằng Cảnh đã lấp lánh sợi dây chuyền vàng. Chị Sáu lúc ngồi chằm lá đã nghe tiếng gần tiếng xa: “Làm ăn thất đức cũng có ngày gặp quả báo!”. “Để coi tụi mày cười được bao lâu!”. Chị Sáu nghe buồn, muốn nói gì đó, nhưng biết nói làm sao! Cho dù khù khờ, chị vẫn từ từ vẫn hiểu ra mọi chuyện. Đồ đạc trong nhà, rồi chuyện thằng Cảnh sắp mua xe… Chị nghe mắt cay cay, mặt cúi gầm, tay thoăn thoắt.
Những người qua lại đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn này không hiểu sao cái chòi vá xe lại đóng cửa. Tai nạn đã giảm nhiều. Lối xóm thì đã rõ. Ông bà mình thường nói “Ác lai ác báo” quả đúng không sai. Sáu Khê mặt mày ủ dột, đi lại không dám nhìn ai. Chị Sáu không còn chằm lá nữa mà phải túc trực ở bệnh viện nuôi thằng Cảnh. Con Út cũng xin nghỉ việc về giúp mẹ. Thằng Cảnh bị chấn thương sọ não và một tay bị gãy. Buổi sáng, nó đi thị xã mua xe, mặt mày hớn hở. Gặp mấy thằng bạn cũ, nó làm một chầu nhậu thỏa thuê. Bây giờ, ai dám xem thường cha con nó nữa! Nhà nó đầy đủ tiện nghi. Bây giờ, có thêm chiếc xe gắn máy này, thiệt không còn niềm vui nào bằng.
Đã chín giờ đêm. Sáu Khê vẫn thập thò trông ngóng. Lòng y như lửa đốt. Y linh cảm điều gì đó chẳng lành. Thêm một tiếng đồng hồ nữa trôi qua. Y thấy có ánh đèn lấp lóa. Rồi tiếng Hai Ninh kêu lớn: “Anh Sáu ơi! Anh Sáu à! Có ở đây không?”. Sáu Khê giật mình, tay chưn như bị điện giật. Y bước ra khỏi cửa: “Có chuyện gì vậy?”. “Thằng Cảnh té xe rồi! Bị thương nặng lắm! Người ta đưa vô bệnh viện rồi!”.
S.Q(giacngo)