Tháng 7 về, ai ai cũng muốn làm những điều tốt đẹp, từ ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, đi chùa lễ Phật… Nói đến “phóng sinh” là nói đến một hành động tốt đẹp xuất phát từ lòng từ bi của con người trước cái chết của một sinh vật vô tội nên phát tâm cứu giúp. Tuy nhiên, việc phóng sinh ngày nay vẫn còn rất nhiều điều đáng suy ngẫm:
1. Chim sống tự do đang ở trên trời bị đánh bẫy hàng loạt – bắt nhốt vào lồng rồi đem bán trước các cổng chùa để mua về thả. Rất nhiều chim chết trước khi bay ra được khỏi lồng hoặc bị bắt lại đem bán lại.
Phóng sanh không đúng cách có thể gây hại cho loài khác
2. Cá chép vàng hiện nay đa số là loại cá kiểng được sinh ra và lớn lên trong môi trường nhân tạo, không thích hợp với môi trường tự nhiên lại bị ô nhiễm quá nhiều của nước ta. Đem thả cá ấy vào sông thì chúng sống thế nào? Hơn thế, nhiều người thả cá từ trên cầu, với độ cao như vậy, cá thường sẽ vỡ bóng, bể bụng mà chết, hoặc sống ngắc ngoải. Xong họ còn vứt túi ni-lông, rác thải bừa bãi trên cầu, trên bờ hồ..
4. Chim cá thả ra thường bị ngộp và đuối, không còn sức để bơi hoặc bay. Phần bị chích điện, bẫy bắt lại, phần bị chó mèo tha, phần bị bể bụng mà chết như trường hợp trên, phần thì gần như đã chết khi còn trong lồng, trong túi..
5. Nhiều người vô ý đến mức ném cả bịch cá chưa tháo dây cột xuống sông hoặc đổ thùng cá từ trên cao xuống với lực rất mạnh – vốn dĩ là để cho xong việc rồi về. Có người tương luôn cả tàn nhang và tro vàng mã xuống cùng… Thử hỏi cá nào sống nổi? Đó là chưa kể việc thả luôn bao ni-lông xuống sông gây ô nhiễm môi trường.
6. Có trường hợp thả những loài cá ăn thịt ngoại lai gây hại xuống sông dưới danh nghĩa phóng sinh. Nếu xét theo quan điểm khoa học, đây là một điều sai lầm vì sinh vật ngoại lai không rõ nguồn gốc và tập tính sinh hoạt sẽ cạnh tranh nguồn thức ăn thậm chí tiêu diệt các loài sinh vật bản địa.
7. Rất nhiều những người phóng sinh đều làm qua loa và khi phóng sinh đều với mục đích ước nguyện cho cái tôi của mình thành hiện thực, lòng từ bi thực sự để cứu chúng sinh lúc này là một dấu hỏi lớn?
Nếu hiểu một cách đúng đắn, chúng ta sẽ có được hành động đúng đắn và thiệt tâm hơn. Bởi khi ta tận tâm, tận lực thì công đức mới viên mãn.